Đối tác
17/03/2022

Đối tác chiến lược, đối tác toàn diện là cụm từ chỉ quan hệ ngoại giao giữa 2 nước với nhau. Quan hệ từ đối tác song phương, đối tác khu vực tới đối tác toàn diện, đối tác chiến lược. Cho tới năm 2013, mặc dù đã có tới 10 mối quan hệ đối tác chiến lược được thành lập trong vòng hơn 10 năm trước đó, nhưng các nhà hoạch định chính sách đối ngoại Việt Nam vẫn chưa đưa ra được một định nghĩa rõ ràng cho khái niệm này, đặc biệt là nội hàm của nó. Trong bài phỏng vấn của Báo điện tử Chính phủ năm 2015, ông Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao đã thống kê: Việt Nam có 3 đối tác chiến lược toàn diện, 15 đối tác chiến lược (tính cả ba đối tác chiến lược toàn diện) và 12 đối tác toàn diện[1]. Theo thạc sĩ Lê Hồng Hiệp, một mối quan hệ nên được coi là “chiến lược” đối với Việt Nam chỉ khi nó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với an ninhthịnh vượng, và vị thế quốc tế của Việt Nam. Trong ba khía cạnh này, hai khía cạnh an ninh và thịnh vượng phải là hai khía cạnh cốt yếu, còn khía cạnh cuối cùng chỉ mang ý nghĩa thứ yếu [2].

Tính tới hết năm 2021, hiện Việt Nam có: 3 Đối tác Chiến lược Toàn diện; 17 Đối tác Chiến lược (bao gồm cả ba Đối tác Chiến lược Toàn diện) và 13 Đối tác Toàn diện[3]. Trong đó 8/10 nước cùng là thành viên CPTPP (không tính Việt Nam) với 5 nước là Đối tác chiến lược và 3 nước là Đối tác toàn diện; 2 nước còn lại chưa có quan hệ đối tác cao là Peru và Mexico. Với các nước khối ASEAN, hiện Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao cao cấp với đầy đủ toàn bộ 9/9 nước thành viên (không tính Việt Nam) với 5 nước là Đối tác chiến lược và 2 nước là Đối tác toàn diện; 2 nước còn lại là Campuchia và Lào là Quan hệ đặc biệt.