Trạng thái
17/03/2022

Ngày 23-11, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn chủ trì phiên họp của Ủy ban Về giáo dục và phát triển nhân lực thuộc Hội đồng Quốc gia phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đây là cuộc họp đầu tiên sau khi Ủy ban Về giáo dục và phát triển nhân lực được kiện toàn theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Tại phiên họp đầu tiên này, các thành viên ủy ban thảo luận, cho ý kiến về dự thảo đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025″ do Bộ GD-ĐT chủ trì xây dựng.

Theo Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Sơn Hải, mục tiêu chính của đề án là thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ phương thức dạy và học, quản lý nhà nước về giáo dục và quản trị nhà trường. Đồng thời, góp phần tạo chuyển biến về chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục quốc dân, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt với chi phí thấp cho người dân. Trong giai đoạn 2021-2025, đề án tập trung vào hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới quản trị, quản lý nhà nước về giáo dục, phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy và học cũng như phát triển nhân lực số. Trong đó, sẽ triển khai nền tảng quản trị tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dụcnhà giáo, nhân viên và người học, triển khai các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số. Cùng lúc, phát triển kho học liệu số, học liệu mở dùng chung, bài giảng điện tử, học liệu đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử, triển khai mô hình giáo dục STEM/STEAM, phát triển tư duy lập trình, triển khai các chương trình về khoa học máy tính phù hợp, nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học…

Chuyển đổi số của ngành giáo dục cần làm sớm hơn - Hình 1

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phiên họp Ảnh: MINH THU

Góp ý cho dự thảo đề án, ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel), đưa ra 3 việc lớn cần làm, đó là xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành, cơ sở dữ liệu này phải đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia. Trên cơ sở dữ liệu đó, xây dựng các trung tâm điều hành, quản lý ngành. Cuối cùng là xây dựng các nhà trường thông minh.