Giảm chi phí, tăng doanh thu nhờ chuyển đổi số
Ngành gỗ Việt Nam có vị thế khá quan trọng đối với nền kinh tế. Tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả nước năm 2021 là 14,8 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020, tiếp tục đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu hàng hoá/nhóm hàng hóa tại Việt Nam.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt hơn 11 tỉ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021. Tính riêng 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành này là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu, tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 9,3 tỷ USD.
Theo Báo cáo Thực trạng chuyển đổi số ngành gỗ năm 2022 do Hiệp hội Internet Việt Nam, Novaon Tech cùng Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) phối hợp thực hiện vừa công bố mới đây, ước tính trong 2 năm Covid-19 hoành hành vừa qua, chuyển đổi số đã giúp các doanh nghiệp gỗ giảm 10% chi phí, tăng trưởng 10 - 20% doanh thu và tăng hơn 20% năng suất lao động.
Theo phản ánh từ chính các doanh nghiệp đã “nhập cuộc” chuyển đổi số, thì sau khi triển khai chuyển đổi số, ở bất cứ đâu, lãnh đạo doanh nghiệp cũng có thể mở điện thoại xem báo cáo, cập nhật tình hình sản xuất của từng bộ phận theo từng giờ, từng phút. Qua đó nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp.
Đặc biệt, khi các thị trường xuất khẩu gỗ chủ lực đều khắt khe trong việc truy xuất nguồn gốc gỗ, thì chuyển đổi số là việc cấp bách để các doanh nghiệp có được “hộ chiếu xanh” thông quan. Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu từ 2 – 2,5 triệu m3 gỗ quy tròn là gỗ nhiệt đới, tương đương từ 40 – 50% tổng lượng gỗ tròn và xẻ nhập khẩu. Một số doanh nghiệp đã tích cực ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp Việt Nam, hệ thống hoá các chứng chỉ quốc tế trong quản lý rừng, xuất khẩu lâm sản, xây dựng dữ liệu chứng nhận tin cậy cho doanh nghiệp… Nhờ đó, sản phẩm gỗ Việt Nam đã đến với nhiều thị trường xuất khẩu lớn.
Với những lợi ích rõ ràng của chuyển đổi số, 75% doanh nghiệp gỗ tham gia khảo sát về thực trạng chuyển đổi số ngành gỗ năm 2022 cho biết, trong khoảng 1 - 5 năm tới, chuyển đổi số sẽ là "tác nhân" ảnh hưởng mạnh mẽ tới năng lực cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp. 85% doanh nghiệp kỳ vọng chuyển đổi số sẽ giúp tối ưu chi phí, 62,5% mong sẽ tăng hiệu suất lao động, 45% muốn tăng doanh thu, trải nghiệm khách hàng…
Đặc biệt, 100% doanh nghiệp mong muốn sớm triển khai Kho dữ liệu và báo cáo điều hành (Data warehouse & BI). Các doang nghiệp đều đã có kế hoạch triển khai ứng dụng nền tảng này trong vòng từ 2 - 5 năm tới. Data warehouse & BI sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chuyển đổi số ngành gỗ khi khối lượng dữ liệu từ hoạt động kinh doanh, sản xuất, kho hàng, máy móc… của doanh nghiệp ngày càng lớn. Nền tảng này sẽ giúp phân tích chuyên sâu, tổng hợp ra báo cáo hữu dụng cho lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, áp dụng công nghệ và chuyển đổi số là việc mà các doanh nghiệp sản xuất gỗ phải thực hiện trong giai đoạn hậu Covid-19 và suy thoái kinh tế hiện nay. Điều này giúp cắt giảm chi phí, thích nghi với bối cảnh giảm mạnh đơn hàng nhưng gia tăng yêu cầu chất lượng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, qua đó có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.
20% doanh nghiệp gỗ vẫn “đứng ngoài cuộc”
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, chuyển đổi số ở tất cả các khâu, từ thiết kế, sản xuất, đến thương mại…, là hướng đi bắt buộc để các doanh nghiệp ngành gỗ có thể tồn tại và phát triển.
Thế nhưng, tại một tọa đàm gần đây về chuyển đổi số ngành gỗ, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hawa thẳng thắn nhìn nhận: Ngành gỗ của Việt Nam đang có vị thế tương đối tốt bản đồ xuất khẩu gỗ thế giới, thế nhưng sự đóng góp của chuyển đổi số, công nghệ cao vào kết quả này vẫn còn rất hạn chế. Mức độ chuyển đổi số trong doanh nghiệp gỗ chưa nhiều.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu lâm sản Việt Nam (Viforest) cũng đánh giá: Năng lực quản trị thấp, ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế... là trở ngại lớn cho sự cho phát triển bền vững của doanh nghiệp ngành gỗ.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính, doanh nghiệp ngành gỗ được đánh giá là nhóm có sự nỗ lực rất lớn trong tìm phương án chuyển đổi số, vận hành chuỗi cung ứng trong bối cảnh giãn cách xã hội cũng như tương tác với khách hàng nước ngoài. Nhưng việc này vẫn mang tính tự phát và mới nằm ở các doanh nghiệp có tính tích cực cao, chưa phải là sự lan tỏa đồng đều đến mọi doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia cùng chung quan điểm cho rằng, xét trên bình diện rộng thì mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đang ở mức thấp.
Có thể lấy những số liệu trong Báo cáo thực trạng chuyển đổi số ngành gỗ năm 2022 để làm minh chứng rõ hơn cho quan điểm nêu trên: 20% doanh nghiệp ngành gỗ chưa thực hiện chuyển đổi số bất cứ hạng mục nào, hơn 56% doanh nghiệp chuyển đổi được một phần, và mới chỉ có 4,2% doanh nghiệp đã chuyển đổi số toàn bộ quy trình.
Chỉ 8,3% doanh nghiệp gỗ ưu tiên dành trên 3% doanh thu cho chuyển đổi số và có đến 25% doanh nghiệp chỉ dành 0,5%, một con số đáng báo động vì quá thấp so với mặt bằng chung của các ngành sản xuất tại Việt Nam.
Trong chuyển đổi số, thì quản lý sản xuất và quản lý nhân sự là 2 hạng mục được doanh nghiệp quan tâm đặc biệt, bởi có thể ảnh hưởng nhiều nhất đến hiệu quả hoạt động và vận hành của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hiện vẫn có đến 54,2% doanh nghiệp chưa thực hiện hoạt động chuyển đổi số nào trong công tác nhân sự, 25% doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm quản trị nhân sự nhưng vẫn cần nâng cấp tính năng. Hiện trạng này khiến nhân sự lao động của ngành gỗ không phát huy được hết khả năng vốn có.
Còn về quản lý sản xuất thì có đến hơn 72% doanh nghiệp vẫn chưa ứng dụng phần mềm quản lý vào hoạt động sản xuất; 18,2% doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm nhưng vẫn cần mở rộng thêm tính năng và 9,1% doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm quản lý sản xuất nhưng chưa thực sự hài lòng.
Và bởi vậy, phần lớn doanh nghiệp ngành gỗ vẫn đang phải đối mặt với nhiều bất cập như: Quy trình sản xuất hiệu quả chưa cao, chưa biết rõ các sản phẩm lỗi ở công đoạn nào; Khó khăn trong việc đưa ra kế hoạch sản xuất và hoạch định nguồn lực sản xuất; Sử dụng nhiều giấy tờ, các file theo dõi khác nhau.
Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành gỗ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác nữa trong quá trình chuyển đổi số, chẳng hạn như: Lãnh đạo chưa có mong muốn thực hiện chuyển đổi số; Chiến lược kinh doanh chưa đặt chuyển đổi số là ưu tiên; Có quá nhiều phần mềm, không tích hợp được với nhau…
Tìm hiểu thì thấy có 3 thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp gỗ khi chuyển đổi số. Một là chi phí ban đầu bỏ ra lớn (82,5% doanh nghiệp lo ngại về điều này); Hai là thiếu đối tác chuyên nghiệp, có năng lực tư vấn và giải pháp tốt (80% doanh nghiệp cho biết đang thiếu đối tác chuyên nghiệp có năng lực tư vấn, giải pháp tốt có tính cạnh tranh cao); Và ba là năng lực công nghệ và đội ngũ nhân sự chưa đáp ứng được chuyển đổi số (65% doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn này).
Liên quan tới câu chuyện nhân sự, ông Lê Đức Hiếu, Giám đốc dự án Công ty TNHH Thương mại Vĩ Đại (chuyên cung cấp máy móc thiết bị trong ngành chế biến gỗ) chia sẻ góc nhìn của người trong cuộc: Các doanh nghiệp gỗ Việt Nam dư khả năng tài chính để đầu tư, mua máy móc, phần mềm hiện đại để vận hành sản xuất thông minh. Song vấn đề nảy sinh là thiếu nhân lực chất lượng cao để vận hành dây chuyền thông minh đó. Đã có doanh nghiệp đầu tư 10 tỷ đồng mua máy móc và phần mềm nhưng không thể vận hành vì thiếu nhân lực.
Cần áp dụng giải pháp phù hợp
Các doanh nghiệp gỗ Việt hiện nay vẫn đang cạnh tranh bằng nguồn lao động giá rẻ, nhưng trong tương lai gần, nguồn lao động giá rẻ này sẽ không còn là lợi thế. Dự kiến chỉ trong vòng 5 năm tới, doanh nghiệp nào không thực hiện chuyển đổi số sẽ có nguy cơ mất khách hàng, thị trường vào tay các đối thủ cạnh tranh, kéo theo hệ lụy là sụt giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận.
Chuyển đổi số được xem là “chìa khóa” giúp các doanh nghiệp ngành gỗ nâng cao năng lực quản trị, tạo giá trị gia tăng cao. Song các doanh nghiệp với những điểm đặc thù riêng về tài chính, nhân sự, chiến lược…, cũng cần tìm kiếm cho mình những giải pháp thực sự phù hợp, chứ không có một đáp án chung nào về chuyển đổi số cho tất cả mọi doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không nên áp dụng các mô hình, giải pháp chuyển đổi số một cách máy móc, rập khuôn. Thay vào đó, cần xác định rõ ràng xem mình đang ở đâu trong tiến trình chuyển đổi số của ngành, của quốc gia để đưa ra quyết định hành động một cách chính xác nhất.
Tiền không phải là yếu tố mang tính chất quyết định. Bởi có doanh nghiệp chỉ cần đầu tư nhỏ vẫn thu được hiệu quả, trong khi không ít doanh nghiệp khác đầu tư lớn lại không gặt hái kết quả như kỳ vọng.
Nhận thức không rõ ràng về khái niệm chuyển đổi số có thể sẽ là nguyên nhân mấu chốt khiến doanh nghiệp gỗ chuyển đổi số thất bại.
Để khắc phục bất cập này, Hawa đã nỗ lực nâng cao nhận thức trong giới lãnh đạo doanh nghiệp gỗ với hoạt động đầu tiên là phát triển mạng lưới CIO (giám đốc công nghệ thông tin) ngành gỗ và chế biến gỗ, triển khai chương trình huấn luyện tập trung về phương pháp chuyển đổi số, từ đó xây dựng mạng lưới hạt nhân thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số trong toàn ngành, và tổ chức tham quan học hỏi, trao đổi về kinh nghiệm quản lý, tầm nhìn, hướng đi cũng như ứng dụng chuyển đổi số vào thực tế sản xuất.
Cùng với đó, Hawa đã và đang tích cực hỗ trợ hội viên nâng cao khả năng liên kết và tính cạnh tranh thông qua nền tảng số. Hai nền tảng về chuyển đổi số là showroom ảo trực tuyến và nền tảng truy xuất nguồn gốc gỗ được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp đánh giá được rủi ro, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu gỗ Việt.
Theo kế hoạch, Hội sẽ xây dựng một văn phòng số với 600 hội viên và 10.000 dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối các doanh nghiệp, thúc đẩy giao thương.
Nhiều kinh nghiệm hay cũng đang được các doanh nghiệp gỗ chia sẻ với nhau. Chẳng hạn, theo kinh nghiệm của Công ty Scansia Pacifisc chuyên sản xuất, xuất khẩu nội ngoại thất cho các thương hiệu và hệ thống phân phối lớn tại châu Âu và châu Mỹ, bước đầu tiên khi bắt tay triển khai chuyển đổi số là phải chuẩn hóa quy trình nội bộ, sau đó mới đến khâu lựa chọn giải pháp phần mềm từ các đơn vị bên ngoài. Nếu có điều kiện thì nên xây dựng một đội ngũ phát triển phần mềm riêng của doanh nghiệp để có thể xem xét và giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh.
Ông Bernd Kahnert, Tổng Giám đốc Công ty TNHH GCC Consultancy khuyến nghị: Chuyển đổi số không phải một cuộc thi chạy cự li ngắn mà là một cuộc đua marathon dài hơi. Các doanh nghiệp cần có sự tính toán và phân bổ nguồn lực phù hợp cho từng giai đoạn để mang lại lợi ích cao nhất. Không nên quá tham lam khi thực hiện chuyển đổi số mà nên làm từ từ từng bước một.
Dự kiến thời gian tới, các tổ chức, hiệp hội ngành gỗ sẽ triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số trên quy mô lớn nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao vị thế trên nền tảng công nghệ 4.0.
Ngành gỗ Việt Nam đặt mục tiêu tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng 15% để đến năm 2025 đạt được doanh thu 20 tỷ đô. Nếu các doanh nghiệp ngành gỗ “bắt kịp chuyến tàu chuyển đổi số” và chuyển đổi số thành công thì rất có thể mục tiêu này sẽ được “về đích” sớm ngay từ năm 2024.
Xuân Bách